1. Đọc nhiều bằng tiếng Anh
Như các bạn đã biết, quan điểm của tôi về việc học tiếng Anh là để nói được tiếng Anh như người bản xứ chúng ta phải hiểu văn hóa, cách nghĩ và nhạy cảm với cách ứng xử của người bản xứ. Chỉ có vậy chúng ta mới nói tiếng nói của họ - “speak the same language”. Để làm được việc này chúng ta phải tạo ra cho mình các cơ hội để tiếp xúc với văn hóa của người nói tiếng Anh và đọc sách báo, tài liệu và bất kỳ các văn bản viết nào do người Mỹ xuất bản đều là một cơ hội để bạn làm điều này.
Tôi khuyên các bạn nên cố gắng đọc thật nhiều tài liệu bằng tiếng Anh. Bất kỳ cái gì làm bạn chú ý, tò mò hoặc say mê. Từ khi còn đi học đại học, tôi đã bắt đầu đọc báo tiếng Anh (các tờ báo Vietnam News, Vietnam Investment Review), rồi khi bắt đầu đi làm tôi đọc báo nước ngoài (International Herald Tribune, Bangkok Post, Newsweek). Tôi xin lại những cuốn tiểu thuyết nước ngoài mà các khách du lịch qua Hà Nội để lại. Hồi đó chưa có Internet nên tài liệu tiếng Anh còn rất hạn chế. Tôi đọc cả những tài liệu như các cuốn hướng dẫn sử dụng máy ghi âm, đài, tv, v.v. Có một lần tôi dịch cuốn hướng dẫn sử dụng đầu video cho gia đình tôi từ tiếng Anh sang tiếng Việt để cho mọi người đều dùng được. Nói tóm lại là bất kỳ tài liệu gì bằng tiếng Anh từ nước ngoài vào tôi đều đọc cả.
Ngày nay ở Việt Nam có khá nhiều tài liệu bằng tiếng Anh (sách, tạp trí, báo, tài liệu do các tổ chức nước ngoài phát hành, v.v). Các bạn có thể lựa chọn cho mình những gì bạn ưa thích nhất. Bạn không cần phải lo là nếu mình muốn học tiếng Anh thương mại thì phải đọc tài liệu về thương mại, hay học ngành y thìphải đọc tài liệu về y tế. Để học tiếng Anh và tập thói quen đọc bằng tiếng Anh, điều quan trọng là đọc những gì mình say mê và cảm thấy hứng thú. Điều quan trọng nữa là bạn phải đọc thường xuyên, kể cả nếu ban đầu bạn chưa hiểu hết 100% những gì mình đọc.
Nếu bạn mới học tiếng Anh, tôi gợi ý bắt đầu với những tài liệu đơn giản như truyện dành cho trẻ em (Các bạn có thể tham khảo những trang Web như http://www.bygosh.com/kidsstories.htm hoặc http://www.ability.org.uk/kids_and_teens_online_stories.htm để tìm những mẩu truyện ngắn đơn giản). Báo hàng ngày bằng tiếng Anh như USA Today (http://www.usatoday.com), New York Times (http://www.nytimes.com), hay CNN (http://www.CNN.com) cũng là những nguồn để các bạn có thể đọc các bài viết đơn giản. Các báo của Mỹ đưa tin hàng ngày thường sử dụng ngôn ngữ đơn giản và ngắn gọn, giúp cho việc học cấu trúc câu và ngữ pháp rất thuận tiện.
Các tác phẩm văn học và thơ cũng là tài liệu đọc rất tốt, tuy hơi khó hơn một chút và đòi hỏi vốn từ và ngôn ngữ cao hơn. Tôi thường đọc các tác phẩm này để học cách viết và học từ, vì ngôn ngữ văn học phong phú hơn so với báo chí, tin tức hay tài liệu kỹ thuật. Nếu kiến thức tiếng Anh của các bạn cho phép, tôi khuyến khích các bạn đọc các tác phẩm này. Một số trang Web đăng các tác phẩm văn học cổ điển miễn phí như: http://www.gutenberg.org/browse/scores/top hay http://67.118.51.201/bol/TopTen.cfm. Một số trang Web khác đăng thơ cổ điển và hiện đại mà các bạn có thể tham khảo là: http://www.poetry-online.org/ hay http://www.emule.com/poetry/
Hoặc bạn có thể tham gia các khóa học tiếng Anh online chất lượng với người bản xứ tại địa chỉ website www.OnEdu.Vn sẽ giúp ích khá nhiều trong việc cải thiện trình độ tiếng Anh của bạn.
Các bạn không cần đọc quá nhiều một lúc vì như vậy việc đọc sẽ trở nên nặng nề và dễ nản. Nếu các bạn chỉ đọc một đến hai trang nhưng ngày nào cũng đọc để làm việc đọc trở thành thói quen, thì tốt hơn là đọc 10 trang một tuần một lần. Đọc thường xuyên sẽ giúp chúng ta đưa tiếng Anh vào cuộc sống hàng ngày và góp phần tạo ra một môi trường tiếng Anh mà không cần phải sống ở nước ngoài.
2. Nghĩ bằng tiếng Anh
Đến lúc này có lẽ các bạn cũng nhận ra rằng tất cả các thủ thuật học tiếng Anh mà tôi đưa ra đều hướng về mục tiêu giúp các bạn tạo cho mình một môi trường học tiếng Anh tự nhiên (bằng cách nghe đài, xem TV, xem phim, đọc sách báo bằng tiếng Anh, nói chuyện với người nói tiếng Anh, v.v.) và tập cho mình các thói quen nghe, đọc và viết để biến tiếng Anh thành một phần của cuộc sống hàng ngày. Có như vậy việc học của các bạn sẽ có hiệu quả nhanh và tiếng Anh sẽ trở thành kiến thức bền vững.
Tuy vậy một yếu tố cuối cùng mà tôi cho là vô cùng quan trọng và cũng không dễ làm: đó là tập cho mình thói quen nghĩ bằng tiếng Anh. Tôi biết nhiều người sẽ hỏi, nghĩ bằng tiếng Anh nghĩa là thế nào. Khái niệm này có thể mới đối với một số bạn vì khi sống trong môi trường đơn ngữ chúng ta thường không chú ý đến việc mình nghĩ bằng tiếng gì. Song, khi bạn vào làm việc ở môi trường có cả tiếng Anh và tiếng Việt, nếu chú ý bạn sẽ thấy mình: 1) nghĩ bằng tiếng Việt sau đó dịch câu mình muốn nói sang tiếng Anh (ý nghĩ hình thành bằng tiếng Việt trước); hoặc 2) nghĩ ngay bằng tiếng Anh và diễn đạt trực tiếp ý nghĩ đó bằng tiếng Anh mà không phải dịch từ tiếng Việt. Theo tôi thì việc nghĩ bằng tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Anh không có gì là sai, nhưng bạn sẽ mất thời gian hơn và chừng nào bạn vẫn còn làm việc này nghĩa là tiếng Anh chưa trở thành “bản tính”.
Thói quen nghĩ bằng tiếng Anh có tập được không?
Theo tôi là có. Song quá trình này sẽ xảy ra nếu các bạn làm tất cả những việc tôi đã gợi ý ở trên và các chuyên mục trứớc. Tôi tin là nếu bạn thường xuyên nói, nghe, đọc và nghĩ đến tiếng Anh thì tự nhiên phản xạ của bạn sẽ trở nên “bản tính” và bạn sẽ dần dần nghĩ và hội thọai bằng tiếng Anh mà không cần dịch ra tiếng Việt trước. Ngoài ra, các bạn còn có thể tập thói quen nghĩ bằng tiếng Anh bằng cách bỏ việc dịch từ Anh sang Việt (trừ khi ai yêu cầu dịch nói hoặc viết). Ví dụ, tôi để ý thấy nhiều người đọc báo khi thấy từ mình không biết thì lập tức tra từ điển Anh-Việt và viết nghĩa của từ đó trong tiếng Việt vào trang báo để nhớ. Khi làm điều này họkhông biết là họ sẽ nhớ nghĩa từ đó bằng tiếng Việt và lần sau khi dùng từ đó cái nghĩa tiếng Việt là cái họ sẽ nghĩ đến trước tiên.
Theo tôi thì trừ khi bạn làm nghề dịch thuật và cần phải biết nghĩa chính xác của từ tiếng Anh trong tiếng Việt, bạn nên vứt bỏ cuốn từ điển Anh-Việt mà mình có đi. Thay vào đó mua cho mình một cuốn từ điển Anh-Anh. Tra từ điển Anh-Anh rất có lợi cho việc nghĩ bằng tiếng Anh vì tất cả các từ đều được giải thích bằng tiếng Anh. Vì vậy quá trình tra từ điển Anh-Anh cho các bạn một cơ hội nghĩ bằng tiếng Anh, học thêm từ và cách nói và đồng thời vẫn hiểu được từ mình đang tra có nghĩa là gì.Ví dụ:
Main Entry: eat
Pronunciation: 'Et
Function: verb
1 : to take in through the mouth as food : ingest, chew,and swallow in turn.
Cách giải thích từ eat ở ví dụ này ở từ điển Meriam-Webster Online rất đơn giản và giúp bạn học thêm được cách nói (to take in through the mouth as food) và từ mới đồng nghĩa (ingest, chew, swallowin turn).
Khi học từ mới ở lớp hay khi nói chuyện vớingười nói tiếng Anh, các bạn cũng cố tập cho mình thói quen ghi lại nghĩa của từ mới bằng tiếng Anh. Ví dụ bạn học từ translate và bạn biết là khi dịch sang tiếng Việt từ này có nghĩa là dịch. Song bạn có thể ghi lại cho mình thông tin này bằng tiếng Anh một cách rất đơn giản và không khó khăn gì: Translate= to turn words or phrases from one language into another.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét